Rác thải là nguyên nhân dẫn đến phát thải gây hiệu ứng nhà kính và nóng lên toàn cầu. Tại hội nghị môi trường thế giới COP26 diễn ra tại Anh, Việt Nam đã cam kết phấn đấu giảm thiểu phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Chuyên gia, TS.Nguyễn Đình Trọng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam có chia sẻ về mục tiêu trên.
Câu 1: Thưa ông/ xin ông cho biết hiện trạng rác thải tại Việt Nam hiện nay ra sao; lượng rác thải trung bình tại thành thị, nông thôn dao động như thế nào…những vấn đề trên ảnh hưởng như thế nào đến cam kết tại hội nghị COP26 của Việt Nam?
Theo một thống kê của Vụ Năng lượng tái tạo (Tổng cục Năng lượng – Bộ Công Thương), Việt Nam hiện với dân số hơn 99 triệu người, hằng năm, lượng rác được thải ra là rất lớn, trung bình có gần 35.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn chất thải sinh hoạt nông thôn thải ra mỗi ngày. Riêng các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM, mỗi ngày có từ 7.000 – 8.000 tấn rác thải. Chưa kể lượng rác thải nông nghiệp từ cây trồng, chế biến nông – lâm – thủy sản… đều là tài nguyên.
Cũng trong một báo cáo khác, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở nước ta hiện nay khoảng 24,5 triệu tấn và chất thải rắn công nghiệp là 8,1 triệu tấn. Trong đó, rác thải nhựa, nilon hiện đang là một vấn đề khiến Chính phủ phải đau đầu. Ước tính, mỗi ngày nước ta xả ra khoảng 2.500 tấn rác thải nhựa và có từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn được xả ra đại dương. Đại diện Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cho biết, lượng rác thải nhựa trên biển của nước ta nhiều thứ 4 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines.
Theo tôi, hướng đến mục tiêu giảm phát thải rắn sinh hoạt về “net zero”, Việt nam còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân khiến việc xử lý rác thải ở nước ta vẫn còn hạn chế đến từ: Rác chưa được phân loại tại nguồn; Thiếu công nghệ; Thiếu nguồn lực;….Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất vẫn là thiếu quy định và giải pháp đồng bộ.
Theo thông tin mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường – thay thế Nghị định 155/2016 và Nghị định 55/2021, được kỳ vọng tạo dấu ấn thay đổi thực trạng phân loại rác thải rắn tại nguồn và xử lý vi phạm. Các hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác thải rắn; hoặc không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 25/8/2022. Tuy nhiên, theo tôi nhận thấy, nghị định trên mới chỉ dừng lại là văn bản hướng dẫn để từ đó các địa phương xây dựng văn bản, khung xử phạt thích hợp, thời gian trung bình để việc xử lý vi phạm đồng bộ sẽ mất khoảng 3 năm. Như vậy, ít nhất đến tháng 8/2025 thì việc xử phạt mới cơ bản đi vào thực tiễn, còn hiện nay khó có thể mang lại hiệu ứng tích cực ngay lập tức, không khả thi. Do đó, mỗi địa phương cần có giải pháp quy hoạch, sử dụng công nghệ thích hợp trước mắt để giải quyết vấn đề rác thải chưa phân loại tại nguồn vẫn đang tồn đọng và hướng đến mục tiêu “net zero”.
Câu 2: Theo ông trước thực trạng rác thải tại các địa phương như trên, cần có biện pháp xử lý kịp thời như thế nào để tránh hệ lụy của xử lý rác thiếu hiệu quả, manh mún và không đồng bộ, sớm đạt được mục tiêu tại COP26?
Theo tôi: Để cơ bản xử lý rác thải tại các địa phương trên cả nước nói chung, chúng ta cần song song triển khai 3 vấn đề cấp bách sau:
Thứ nhất: Các địa phương cần Quy hoạch mỗi địa phương 1 khu xử lý rác thải tập trung, đặt tại khu vực xa khu dân cư, thuận tiện cho thu gom rác, xử lý. Ví dụ như tại Hà Nội: Theo tôi được biết qua các thông tin đài báo thì Nhà máy xử lý rác tại Nam Sơn – Sóc Sơn- Hà Nội của Công ty Thiên Ý mới đưa giai đoạn một vào hoạt động có công suất là 1000 tấn rác/ngày, đó là một tin hiệu vui sau nhiều lần trễ hẹn. Nhưng với công suất này hiện tại và với việc Nhà máy mới bắt bắt đầu hoạt động, công nghệ mới áp dụng tại Việt Nam thì không thể nói Hà Nội đã yên tâm về công tác xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố, vì Thành phố Hà Nội hiện nay mỗi ngày thải ra khoảng 7000 – 8000 tấn rác thải sinh hoạt, chưa kể rác công nghiệp, rác thải y tế, rác thải xây dựng và các loại chất thải khác. Do đó, riêng Hà Nội cần có từ 2 đến 3 điểm xử lý rác nữa nằm quanh Hà Nội để thuận tiện thu gom rác và xử lý triệt để, tránh ùn tắc khi một cơ sở có vấn đề về vận hành.
Riêng với các địa phương, cần quy hoạch tập trung tại một điểm thuận lợi cho thu gom rác toàn tỉnh, hoặc khu vực sao cho khi rác đưa về khu xử lý luôn kịp tiến độ và bảo bảo rác trong mỗi khu dân cư được thu gom triệt để. Đồng thời, tổng công suất các Nhà máy rác cộng lại phải vượt lên bằng 130% đến 150% lượng rác thải ra mỗi ngày hiện có, vừa là phòng ngừa sự cố khi một nhà máy hỏng, vừa là có tầm nhìn ít nhất đến năm 2025, năm 2030.
Thứ hai: Song song với quy hoạch, các địa phương cần chọn nhà đầu tư và công nghệ xử lý rác thải phù hợp để nâng cao hiệu quả xử lý rác. Theo đó, các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn tại các tỉnh phải “tuyển chọn” được các Nhà đầu tư có tầm, có tâm, có năng lực thực sự, có kinh nghiệm đốt rác, có kinh nghiệm xử lý rác nhiều năm. Hơn thế nữa, nếu Nhà đầu tư có công nghệ trong tay, làm chủ được công nghệ như T-Tech Việt Nam thì càng tốt. Họ sẽ chủ động sửa chữa khi hỏng, không phụ thuộc nhà sản xuất, chủ động nâng cấp công nghệ, nâng cao công suất khi cần. Việc này rất quan trọng trong vấn đề xử lý rác sinh hoạt. Trong đó, xử lý rác sinh hoạt có một đặc thù riêng khác hẳn với các ngành khác, đó là máy hỏng vẫn phải tiếp nhận rác và xử lý rác mỗi ngày, ngày lễ ngày tết vẫn phải xử lý, thậm chí công nhân ốm đau vẫn phải tiếp nhận rác và xử lý. Do vậy, nếu không có công nghệ trong tay, không có kinh nghiệm vận hành nhà máy rác, không xây dựng được định mức vận hành theo tôi các địa phương sẽ rất khó khăn và rủi ro trong quá trình đầu tư Nhà máy rác. Do vậy các địa phương nhất định phải chọn được các nhà đầu tư “đạt chuẩn”, có tâm, có tầm và có công nghệ trong tay thì càng tốt, hay nói cách khác là đơn vị xử lý rác “All in one”.
Thứ ba: Công tác quản lý sau đầu tư. Các địa phương cần có chính sách quản lý các nhà máy rác, các nhà đầu tư một cách phù hợp, hợp lý để cùng phát triển và kiểm soát được môi trường. Mỗi tỉnh phải quản lý, giám sát chặt chẽ các nhà máy rác để đảm bảo việc vận hành khai thác đạt chuẩn. Đồng thời cũng là đồng hành cùng các nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn phát sinh trong quá trình vận hành. Đồng thời các địa phương cần chuẩn bị một nguồn kinh phí hàng năm đây đủ cho vấn đề xử lý rác, đảm bảo đơn giá xử lý rác phù hợp cho các nhà máy rác.